Phòng và xử trí ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là các trường hợp nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn do thức ăn, đồ uống gây ra. Thức ăn, đồ uống có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến hoặc bản thân thức ăn chứa độc chất như một số thịt, cá, con cóc, quả dứa, củ sắn... Biểu hiện bằng các triệu chứng: đau bụng, nôn, tiêu chảy... Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như: suy thận, trí não chậm phát triển, động kinh; Trường hợp nặng có thể tử vong, đặc biệt là trẻ em và người già.
1. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm:

- Ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật: vi khuẩn gây bệnh Thương hàn (Salmonella) vi khuẩn gây bệnh Lỵ (Shigella), vi khuẩn gây ỉa chảy (E.Co li) hoặc nhiễm các độc tố của vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus), virút gây ỉa chảy (Rota virus), sán lá gan, sán bò, ấu trùng sán lợn, các loại đơn bào (Amip, trùng lông...), các loại giun và ấu trùng giun, nấm mốc và nấm men…
- Ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm các chất hoá học: Chì, Đồng, Asen, Thuỷ ngân, Cadimi, thuốc bảo vệ thực vật, các loại phụ gia thực phẩm…
- Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: cá nóc độc, ăn cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, sắn, một số loại đậu quả, lá ngón...
- Ngộ độc do ăn phải thức ăn bị biến chất, thức ăn ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường sinh ra các chất độc như: Các chất Amoniac, hợp chất amin sinh ra trong thức ăn nhiều đạm ( thịt, cá, trứng... ) hay các Peroxit có trong dầu mỡ để lâu hoặc rán đi rán lại nhiều lần, là các chất độc hại trong cơ thể.

2. Các dạng ngộ độc thực phẩm và biểu hiện:

Ngộ độc thực phẩm có thể chia làm 2 loại là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính.
- Ngộ độc cấp tính là dạng ngộ độc phát tác ngay sau khi ăn với những biểu hiện như: buồn nôn và nôn ngay có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 380C.
Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng này thường nặng. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc. Đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý: người già hay bị nặng lại không kêu khát do tuổi cao bị mất cảm giác khát), mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả, hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu phải đến cơ sở y tế để điều trị ngay.
- Ngộ độc mãn tính là dạng ngộ độc không có dấu hiệu rõ ràng và không phát tác ngay sau khi ăn. Ở dạng này, các chất độc sẽ tích tụ ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, về lâu dài sẽ dẫn đến ung thư và các bệnh tật nguy hiểm khác.

3. Cần làm gì khi có triệu chứng ngộ độc thức ăn?

- Loại bỏ nhanh chóng hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, tiếp theo là kích thích cơ học vào cổ họng bằng ngón tay chặn xuống lưỡi cho đến khi nôn được. Chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, khi nôn vị trí đầu nằm nghiêng, trường hợp cần thiết lưu giữ lại ít thứ đã nôn ra để xét nghiệm.
- Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.
- Sau khi nôn hoặc đi ngoài nên cho bệnh nhân uống hết 1 lít nước pha với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước.
Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, ngay sau khi nôn không nên ăn thức ăn cứng mà nên cho ăn cháo nhẹ.
Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay hoặc có hiện tượng tím tái, khó thở ….cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí và điều trị kịp thời.
Không được dùng thuốc chống tiêu chảy vì lúc này cơ thể đang loại bỏ và thanh lọc những chất có hại, nếu uống thuốc sẽ làm bệnh thêm nghiêm trọng hơn.

4. Phòng ngộ độc thức ăn:

Để phòng ngộ độc cần thực hiện tốt những điều sau:
- Nên tìm hiểu kỹ các loại nấm, cá để phân biệt được loại không độc và loại độc. Tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ.
- Thực phẩm dùng để làm thức ăn phải được chọn lựa cẩn thận, tươi, không dập nát. Không ăn cá ươn, không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng để ăn.
- Nấu chín, đun sôi thức ăn, cần loại bỏ những phần nghi là gây độc có trong thực phẩm (bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc; bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...).
- Giữ sạch bát, đĩa, xoong nồi đựng thức ăn. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh. Khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn.
- Diệt ruồi, gián, chuột... Tuyệt đối không để chúng tiếp xúc với thức ăn.
- Quả, rau sống phải rửa sạch, ngâm và gọt vỏ rồi mới ăn.
- Không uống mật cá trắm, trôi, chép với mục đích chữa bệnh. Tuyệt đối không ăn cá nóc.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi chuẩn bị chế biến thức ăn.
Thực phẩm có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người, sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, không an toàn đều có thể bị ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các biện pháp phòng tránh là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người trong xã hội
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập